Hợp đồng bảo hiểm gây tranh cãi
Vào năm 2015, bà Hàn, một cư dân tại Hà Bắc, Trung Quốc, đã quyết định đầu tư vào một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho con trai mình sau khi được bà Trương, hàng xóm và cũng là nhân viên của một công ty bảo hiểm, giới thiệu. Bà Trương đã mô tả sản phẩm này như một cơ hội đầu tư hấp dẫn, không chỉ bảo vệ con trai khỏi rủi ro mà còn hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiền ngân hàng.
Bà Hàn đã đồng ý đóng 10.000 NDT (tương đương hơn 35 triệu đồng) mỗi năm, với hợp đồng kéo dài cho đến khi con trai bà 80 tuổi. Bà Trương đã khẳng định rằng sau 10 năm, bà Hàn có thể rút tiền gốc và lãi suất bất kỳ lúc nào. Tin tưởng vào lời hứa này, bà đã ký vào bản hợp đồng dài gần 100 trang mà không đọc kỹ từng điều khoản.
Ảnh minh hoạ
Trong những năm đầu, bà Hàn đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí đều đặn. Tuy nhiên, từ năm 2021, tình hình tài chính gia đình trở nên khó khăn, khiến bà không thể tiếp tục nộp tiền bảo hiểm. Đến năm 2022, bà đã phải vay 30.000 NDT từ người thân để thanh toán trước phí bảo hiểm cho ba năm còn lại, với hy vọng có thể rút tiền gốc và lãi. Nhưng khi liên hệ với công ty bảo hiểm, bà nhận được thông báo rằng toàn bộ số tiền đã đóng sẽ không thể rút cho đến khi con trai bà 80 tuổi, tức là vào năm 2094.
Người phụ nữ này chỉ có thể nhận lãi hàng năm nếu tiếp tục đóng phí, trong khi tiền gốc sẽ bị khóa lại. Bà Hàn cảm thấy bị lừa dối vì không được bà Trương giải thích rõ ràng về điều khoản này khi ký hợp đồng. “Nếu tôi biết trước, tôi đã không chọn sản phẩm này,” bà bức xúc nói.
Ảnh minh hoạ
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bà Hàn cho rằng hợp đồng quá phức tạp và không dễ hiểu đối với người tiêu dùng thông thường. Bà chỉ dựa vào lời giới thiệu của bà Trương mà không được cảnh báo về những rủi ro hay hạn chế của sản phẩm. Bà yêu cầu công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng các điều khoản quan trọng, đặc biệt là thời hạn rút tiền gốc.
“Nếu con tôi không sống đến 80 tuổi, ai sẽ nhận số tiền này? Công ty bảo hiểm sẽ hưởng lợi sao? Nếu công ty này không tồn tại đến năm 2094 thì tiền của tôi sẽ đi đâu? Đây là một sản phẩm lừa dối khách hàng,” bà Hàn bức xúc.
Khi bà Hàn đối chất với bà Trương, người đã tư vấn cho bà, bà Trương cũng khẳng định mình là nạn nhân vì không chú ý đến các điều khoản bất lợi. Bà cho biết mình đã được đào tạo để nhấn mạnh lợi ích của việc nhận lãi hàng năm và khả năng rút tiền sau 10 năm, nhưng không đề cập đến thời hạn rút tiền gốc.
Ảnh minh hoạ
Đại diện công ty bảo hiểm, ông Trương Tiểu Khê, khẳng định rằng sản phẩm bảo hiểm này hoàn toàn tuân thủ pháp luật và quy định ngành. Ông giải thích rằng đây là một loại bảo hiểm niên kim trọn đời, không có khái niệm “tiền gốc” mà chỉ có phí bảo hiểm. Tuy nhiên, để hỗ trợ bà Hàn, công ty đã đề nghị hoàn trả 40.000 NDT (khoảng 140 triệu đồng) nếu bà đồng ý hủy hợp đồng, nhưng điều này đồng nghĩa với việc bà sẽ mất trắng số tiền còn lại. Bà Hàn đã từ chối và quyết định nhờ pháp luật can thiệp để yêu cầu công ty bảo hiểm và bà Trương phải chịu trách nhiệm.
Vụ việc của bà Hàn đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc, cho thấy những lỗ hổng trong cách các công ty bảo hiểm tư vấn cho khách hàng. Hợp đồng phức tạp và việc nhân viên bán hàng không nắm rõ hoặc cố tình bỏ qua các điều khoản quan trọng đã khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình huống khó khăn.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tiếp cận các sản phẩm tài chính có lợi ích hấp dẫn. Việc đọc kỹ từng điều khoản trong hợp đồng trước khi ký kết là rất quan trọng, thay vì hoàn toàn tin tưởng vào lời tư vấn của nhân viên bán hàng, dù đó là người thân hay bạn bè.
Theo Toutiao
- 7 Bí Quyết Giúp Bạn Tiết Kiệm Hàng Triệu Đồng Mỗi Tháng
- Nhiều người chịu lỗ hàng chục triệu đồng chỉ sau một đêm vì mua vàng đỉnh điểm
- Công ty điện gió liên quan Hoàng Sơn Group lỗ lũy kế gần 380 tỷ | Vietstock
- Chiến lược đầu tư thông minh của một huyền thoại trong thời kỳ biến động thị trường
- Giá vàng ổn định sau một tuần biến động mạnh