Diễn biến cổ phiếu ngân hàng trước tác động thuế quan
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt một loạt chính sách thuế quan mới mang tính đối đầu cao, đã kéo theo hiệu ứng tiêu cực lan rộng trên thị trường tài chính, trong đó một nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nhất ở các nước là ngành ngân hàng. Từ cổ phiếu ngân hàng lớn trên quốc tế đến cổ phiếu ngân hàng trong nước cũng không tránh khỏi xu hướng giảm giá. Thị trường dễ thở hơn trong những phiên tới với những thông tin giãn thuế, giờ là lúc xem lại liệu những cổ phiếu ngân hàng nào có thể phục hồi tốt hơn.
Trong vòng 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các mức thuế quan cao chưa từng có trong nhiều thập kỷ đã khiến nền kinh tế toàn cầu rung chuyển. Những biện pháp bảo hộ thương mại này đã thổi bùng lo ngại về một cuộc suy thoái lan rộng. Điều này làm tăng nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, xuất khẩu suy yếu, kéo theo sự sụt giảm trong đầu tư và tiêu dùng. Trước bối cảnh đó, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng như các thị trường mới nổi đang phải đối phó với làn sóng tâm lý quan ngại, khiến thị trường tài chính toàn cầu phản ứng mạnh mẽ trước triển vọng tăng trưởng ngày càng xấu đi.
Không nằm ngoài diễn biến chung của thị trường, các cổ phiếu ngân hàng toàn cầu đã trải qua một tuần giao dịch đầy biến động. Trong tâm điểm của đợt điều chỉnh bao gồm các ngân hàng lớn, vốn được xem như phong vũ biểu của nền kinh tế như Citigroup, Bank of America, JPMorgan Chase, hay Sumitomo Mitsui Financial Group và Mizuho Financial Group tại Nhật Bản. Đây là cú sốc phản ánh tâm lý bi quan của thị trường đặt ra nhiều câu hỏi về triển vọng của ngành ngân hàng trong bối cảnh môi trường kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Tại thị trường chứng khoán trong nước, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng trải qua các đợt suy giảm đáng chú ý trong tuần qua.
Diễn biến nhóm chỉ số ngân hàng trên quốc tế
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu trong tuần qua là cú sốc lớn khi đồng loạt giảm sâu, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Nhật Bản và châu Âu. Động lực chính đằng sau cú sụt giảm này là lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế quan cao chưa từng có trong một thế kỷ trở lại đây. Mức sinh lời so với đầu năm 2025 của chỉ số TPX Bank tại Nhật đã âm 21% trong khi tại tuần cuối tháng 3, con số đã đạt được từ 10% đến 12%. So sánh với các nước thì các ngân hàng Nhật Bản giảm mạnh hơn rất nhiều.
Mức giảm mạnh thứ hai thuộc về nhóm các ngân hàng ở châu Âu. Chỉ số STOXX Europe 600 Banks đại diện cho ngành ngân hàng ở châu Âu gần như mất đi hết mức sinh lời 20% tạo ra của tháng 3. Tại Mỹ, chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 Bank cũng lao dốc và âm hơn 16% so với đầu năm, với các đợt sụt giảm mạnh của các cổ phiếu lớn như Citigroup, Bank of America hay JPMorgan. Trong khi đó, các ngân hàng ở Trung Quốc mặc dù cũng giảm mạnh nhưng mức giảm thấp hơn. Hang Seng Mainland Banks Index đại diện cho nhóm ngân hàng Trung Quốc có mức sinh lời còn 3%. So với các chỉ số chung thì mức sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng ở các nước đều thể hiện mức giảm nhiều hơn.
Biểu đồ 1: Diễn biến mức sinh lời so với đầu 2025 của nhóm chỉ số ngân hàng trên quốc tế
Nguồn: Capital IQ
Ở Nhật Bản, diễn biến cổ phiếu ngân hàng đặc biệt tiêu cực do nền kinh tế nước này vốn đang trong giai đoạn nhạy cảm với chính sách tiền tệ. Sau gần hai thập kỷ duy trì lãi suất siêu thấp, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới chỉ vừa bắt đầu tiến trình bình thường hóa lãi suất. Cú sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng thể hiện sự điều chỉnh lại định giá sau một thời gian dài tăng mạnh từ năm 2022 đến nay, nhờ triển vọng phục hồi lợi nhuận trong môi trường lãi suất tăng. Ngoài ra, cú sốc từ cuộc chiến thương mại và nguy cơ suy thoái khiến những kỳ vọng của thị trường về việc lãi suất sẽ không thể tiếp tục tiến trình tăng, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng của ngành ngân hàng, bên cạnh đó là những quan ngại nhu cầu tín dụng sẽ giảm mạnh do tác động của thuế quan. Chính sự thay đổi kỳ vọng đột ngột này đã dẫn đến kết quả là cổ phiếu các “megabank” như Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui và Mizuho ghi nhận mức giảm hai chữ số trong các phiên giao dịch gần đây.
Chỉ số STOXX Europe 600 Banks, đại diện cho nhóm ngân hàng lớn tại khu vực này, đã giảm 16% chỉ trong vòng một tuần – mức giảm mạnh thứ hai trong số các khu vực được theo dõi, chỉ đứng sau Nhật Bản. Các ngân hàng lớn như Deutsche Bank, BNP Paribas, và Santander đều mất từ 8–12% giá trị vốn hóa, do tâm lý thị trường bi quan về khả năng duy trì lợi nhuận trong môi trường lãi suất thấp kéo dài. Bên cạnh đó, việc khu vực đồng euro vẫn đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm và lạm phát chưa ổn định càng làm trầm trọng thêm triển vọng cho ngành ngân hàng. Tình trạng nới lỏng tiền tệ kéo dài và rủi ro địa chính trị tại Đông Âu càng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn với cổ phiếu ngân hàng, vốn đã có định giá không quá hấp dẫn từ đầu năm đến nay.
Tại Mỹ, nhóm ngân hàng cũng không tránh khỏi làn sóng bán tháo với mức giảm 10% trong tuần qua khi tâm lý thị trường chuyển sang trạng thái lo ngại cực độ. Bên cạnh yếu tố vĩ mô như nguy cơ suy thoái và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, các ngân hàng Mỹ còn chịu sức ép từ chính hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Các chỉ báo cho thấy hoạt động đầu tư – như IPO và M&A – vẫn đang phục hồi yếu ớt, điều này cho thấy kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của lợi nhuận ngân hàng đang dần bị thị trường đặt dấu hỏi.
Tại Trung Quốc, các cổ phiếu ngân hàng mặc dù cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng mức độ sụt giảm tương đối thấp hơn so với Nhật Bản và châu Âu. Chỉ số Hang Seng Mainland Banks Index giảm khoảng 9.7% so với tuần trước, phản ánh tâm lý lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất ổn từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc vẫn được đánh giá là có nền tảng vốn vững chắc và được hỗ trợ bởi chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ. Một số ngân hàng lớn như ICBC, China Construction Bank hay Bank of China có mức giảm nhẹ hơn mặt bằng chung, nhờ quy mô lớn và vai trò chủ lực trong hệ thống tài chính nội địa. Việc chính phủ Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ tăng trưởng, cùng với khả năng điều tiết tín dụng linh hoạt, đang tạo ra tâm lý kỳ vọng rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng nước này có thể là một trong những điểm hồi phục sớm nếu thị trường ổn định trở lại.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong nước
Trước làn sóng bất ổn lan rộng, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đã phản ứng tiêu cực ngay sau các công bố thuế suất của Trump. Tại phiên đầu tiên trong tuần (ngày 08/04), chỉ số VN-Index giảm 13% tính từ đầu năm, mức điều chỉnh của nhóm ngân hàng cũng kém khả quan hơn, thể hiện rõ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Những bất định từ kinh tế toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây áp lực lên doanh nghiệp xuất khẩu ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn của hệ thống ngân hàng – vốn là nền tảng của kỳ vọng lợi nhuận ngành này.
Những diễn biến tiêu cực gần đây đã thổi tan thành quả tích lũy các cổ phiếu ngân hàng khi tính bình quân thì mức sinh lời của các cổ phiếu ngân hàng đã không tăng trưởng so với thời điểm đầu năm 2024. Diễn biến cổ phiếu ngân hàng đang không có nhiều sự phân hóa giữa các nhóm khi mức giảm của các cổ phiếu đều dao động từ 10-15%.
Biểu đồ 2: Mức sinh lời của các cổ phiếu ngân hàng
Nhóm ngân hàng quốc doanh như BID, CTG và VCB có mức giảm như nhau. Tại ngày 08/04, BID giảm 14%, CTG giảm 13%, VCB giảm 13% so với cuối tháng 3. Dù là nhóm ít rủi ro do có danh mục cho vay chất lượng và thường được xem là cổ phiếu ngân hàng phòng thủ trong giai đoạn biến động, nhưng với mức giảm mạnh giai đoạn vừa rồi thì các ngân hàng quốc doanh có thể được kỳ vọng sẽ bật hồi mạnh khi thì trường bắt đầu trải qua những phiên phục hồi khi các thông tin thuế quan bắt đầu được giảm nhẹ và thị trường bắt đầu trong sóng phục hồi.
Nhóm ngân hàng bán buôn – vốn thường gắn với hoạt động tài trợ thương mại và các doanh nghiệp lớn – chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn từ các bất ổn toàn cầu. Tại ngày 08/04, MSB giảm 16%, OCB giảm 14% và MBB, TCB giảm tới 13% so với mức cuối tháng 3. Thông thường trong những giai đoạn biến động thì nhóm cổ phiếu ngân hàng này thường có mức giảm mạnh hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường. Việc mức giảm thấp cho thấy thị trường năm nay vẫn đang đặt sự kỳ vọng về mức tăng trưởng vượt trội của nhóm cổ phiếu ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp. Gần như các ngân hàng của nhóm đều đã mất mức sinh lời tích lũy từ đầu năm, ngoại trừ SHB vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Một số trường hợp đơn lẻ như OCB và SSB thì mức sinh lời đã bị giảm mạnh dưới mức giá đầu năm 2024.
Ngược lại, nhóm ngân hàng bán lẻ – vốn được kỳ vọng hưởng lợi từ tiêu dùng nội địa phục hồi nhưng cũng chịu áp lực bán mạnh. Nhiều ngân hàng trong nhóm ghi nhận mức giảm quanh 12–15% tại ngày 08/04 so với cuối tháng 3, cho thấy sự lo ngại của thị trường vào khả năng phục hồi của tăng trưởng tín dụng nói chung và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nói riêng. Trong đó, TPB và VPB có mức giảm mạnh nhất trong nhóm khi giảm lần lượt 29% và 15% so với đầu năm 2025 và giảm 16% và 11% so với đầu năm 2024. Những ngân hàng quy mô nhỏ trong nhóm “khác” có biên độ giảm mạnh nhất so với các ngân hàng tư nhân lớn khác. BVB, BAB, KLB cũng chịu áp lực bán mạnh, với mức giảm trên 15%, phản ánh sự thận trọng của thị trường đối với các cổ phiếu kém thanh khoản và rủi ro cao trong thời kỳ biến động.
Diễn biến của cổ phiếu ngân hàng toàn cầu và Việt Nam trong tuần qua đã phản ánh rõ nét mức độ nhạy cảm của ngành này trước những biến động vĩ mô. Mặc dù không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhưng những bất ổn kinh tế toàn cầu đang gia tăng đã tạo thêm sức ép lên triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Đà phục hồi của các cổ phiếu ngân hàng trong sóng phục hồi sắp tới cũng sẽ cho thấy được sức mạnh tương đối giữa các nhóm ngân hàng trong năm mà các ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng cao của năm nay.
Lê Hoài Ân, CFA – Nguyễn Thị Ngọc An, HUB
– 09:03 11/04/2025
- Theo dõi dòng tiền lớn ngày 17/04: Khối ngoại bán ròng vượt 20 lần so với tự doanh
- Chỉ 10 ngày nữa, hai con giáp sẽ trở nên giàu có hơn, tài khoản liên tục tăng trưởng, một con giáp cần thận trọng
- Giá vàng ổn định sau một tuần biến động mạnh
- Khi giá vàng tăng cao, con dâu quyết định đầu tư, bố chồng không khỏi lo lắng: “Cô đang làm gì vậy?”
- Giá vàng hôm nay 9-4: Tăng vọt rồi bất ngờ giảm mạnh