Trong bối cảnh giá bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang tăng cao, việc sở hữu một ngôi nhà riêng trở thành một thách thức lớn đối với nhiều gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Thay vì chạy theo áp lực phải có nhà, một số người đã chọn cho mình một lối sống khác: ưu tiên chất lượng cuộc sống, tránh nợ nần và giữ cho tương lai luôn linh hoạt.
Đó chính là cuộc sống của cặp vợ chồng Trần Mai Anh (sinh năm 1991, quê Vĩnh Phúc) hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Với tổng thu nhập từ 25 đến 28 triệu đồng mỗi tháng, họ đã xây dựng cho mình một cuộc sống thoải mái và có con nhỏ.
“Cuộc sống của chúng tôi xoay quanh nguyên tắc “3 không”: không nhà, không xe, không nợ. Nghe có vẻ lạ trong xã hội hiện nay, nhưng chúng tôi thấy lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của mình” – Mai Anh chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Cuộc sống không nhà – không xe – không nợ
Mai Anh cho biết tổng thu nhập của hai vợ chồng dao động từ 25 đến 28 triệu đồng mỗi tháng. Cô làm việc tự do trong lĩnh vực nội dung, trong khi chồng cô là nhân viên văn phòng tại một công ty bất động sản.
Hiện tại, họ đang thuê một căn hộ với mức chi phí 8 triệu đồng mỗi tháng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong đó, tiền thuê nhà là 6 triệu và tiền điện nước là 2 triệu. Sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt, cặp vợ chồng có thể tiết kiệm khoảng 5-8 triệu đồng mỗi tháng.
Mai Anh chia sẻ về cách tiết kiệm của mình: “Gia đình mình đang thuê nhà 8 triệu mà vẫn sống thoải mái và có dư. Nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu làm thế nào mà dám chi 8 triệu cho tiền thuê nhà. Nhưng mọi chi phí đều đã được chúng mình tính toán kỹ lưỡng.”
“Đầu tháng, khi nhận lương, mình chia ngay vào các hũ. Bao gồm: tiền thuê nhà (6 triệu), điện nước (2 triệu), tiền học (5 triệu), bỉm sữa (1 triệu), ăn uống gia đình (4-5 triệu), xăng xe (500k), dự phòng thuốc thang (2 triệu)… Tiền hiếu hỷ thì mỗi năm gia đình đi khá ít, khoảng 3-5 lần, và thường lấy từ các hũ thừa mà mình dồn qua. Thế là mỗi tháng thường còn dư 5-8 triệu.”
“Mình có nguyên tắc là thay vì dồn hết tiền vào một tài khoản, mình chia nhỏ thành các hũ. Nếu tiêu hết trong các hũ thì mình kiên quyết không tiêu vào số dư, không lạm dụng tiêu các quỹ khác.”
Ảnh minh họa.
Gia đình Mai Anh cũng đang cố gắng tiết kiệm từng đồng để mua vàng làm tài sản cho con. Cô tâm sự: “Như hôm nay mình quyết định bỏ món nào đó định mua từ trước, dành số tiền đó vào hũ tiết kiệm mua vàng. Ví dụ mình bỏ mua trà sữa và dành tiền dư đấy chuyển sang hũ cho con. Có hôm mình tích được 79k, lấy từ hũ mua sắm thức ăn hàng ngày. Sau 3 ngày, mình có thể tiết kiệm được hơn 200k và bao giờ được 5 triệu thì mình sẽ rút ra, mua nửa chỉ vàng cho con.”
Mua nhà là ước mơ và động lực phấn đấu của nhiều gia đình. Tuy nhiên, với mức giá hiện tại, nhiều cặp vợ chồng đã phải từ bỏ ước mơ này. Mai Anh cho biết: “Với thu nhập hiện tại, nếu vay ngân hàng, tụi mình phải trả góp 15-20 triệu/tháng trong 15-20 năm. Gần như toàn bộ thu nhập sẽ đổ vào khoản vay, chưa kể lãi suất có thể tăng. Tụi mình không muốn sống trong cảnh tháng nào cũng lo trả nợ, không còn tiền để tận hưởng cuộc sống.”
Mai Anh cho biết: “Một lý do khác là cả hai đều ở Vĩnh Phúc – cách Hà Nội khoảng hơn 1 tiếng đi xe. Chúng mình đã bàn nhau nếu không mua được nhà thì sẽ chuyển về quê chồng sinh sống. Xây nhà ở quê với chi phí thấp sẽ dễ hơn là mua nhà trên thành phố.”
Mặc dù không có mục tiêu lớn mua nhà, nhưng Mai Anh và chồng vẫn quyết tâm tích lũy tài sản cho con bằng cách mua vàng. Hiện tại, họ đã tích lũy được 4 cây vàng, nhờ vào những nguồn thu nhập từ thời điểm cả hai chưa kết hôn và chưa có con.
Mai Anh chia sẻ: “Chúng mình chọn vàng vì đây là kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và dễ chuyển đổi. Trước đây, chúng mình cũng tiêu xài phung phí, nhưng giờ đã học cách đơn giản hóa cuộc sống. Mỗi tháng mua nửa chỉ hay 1 chỉ vàng, sau 3 năm, chúng mình đã tích lũy được 4 cây vàng.”
Nguyên tắc tiết kiệm của cặp vợ chồng trẻ tại Hà Nội
Mai Anh cho biết, với mức thu nhập từ 25-27 triệu đồng mỗi tháng, cặp đôi vẫn có thể sống dư dả giữa Hà Nội nhờ vào những thói quen tiết kiệm như sau:
1. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
“Gia đình mình áp dụng nguyên tắc tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Cứ đầu tháng, khi có lương về là tự động gửi 5 triệu vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 6,05%/năm. Mình chọn ngân hàng có thể tự động gia hạn sổ tiết kiệm. Như thế mỗi năm mình không còn lo việc quên mất về khoản tiền tiết kiệm này.” – Mai Anh cho hay.
Điều này giúp gia đình duy trì thói quen tiết kiệm đều đặn, ngay cả khi thu nhập giảm, và tránh được cám dỗ chi tiêu bốc đồng.
2. Đặt hạn mức cho mỗi hũ chi tiêu
Sau khi gửi tiền tiết kiệm, Mai Anh sẽ chia thu nhập thành các hũ rõ ràng. Ví dụ: tiền thuê nhà (6 triệu), điện nước (2 triệu), tiền học (5 triệu), ăn uống gia đình (4-5 triệu)… Mỗi hũ có hạn mức nhất định trong tháng và trong ngày, và nếu hết tiền trong một hũ thì họ cũng không được phép lấn sang hũ khác.
“Khác với những gia đình khác, vợ chồng mình công khai tài chính và sử dụng chung một hũ với nhau. Khi vợ hay chồng sử dụng tiền trong tài khoản thì đối phương đều biết được. Nhờ thế chúng mình cũng kiểm soát được chi tiêu theo đúng định mức của từng hũ.”
Gia đình Mai Anh cố gắng mỗi ngày tiết kiệm một ít để mua vàng cho con. (Ảnh minh họa)
3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất
Cặp đôi nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe là rất cần thiết, vì nếu có phát sinh đi bệnh viện thì sẽ rất tốn kém, và lẫn vào các hũ đang tích lũy. Do đó, họ cũng cố gắng tiết kiệm bằng cách chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất.
Mai Anh thường chọn đi bộ ở công viên gần nhà và tiện đưa đón con đi học. Hai vợ chồng cũng thống nhất cuối tuần sẽ đưa con đi công viên, nếu có thời gian rảnh sẽ dành thời gian chất lượng cho nhau và chơi với con. “Khi có sức khỏe và tinh thần thì cũng giúp hai đứa tránh chi tiêu bốc đồng để “bù đắp” căng thẳng hay phải đi chữa lành.”
4. Tận dụng đồ từ quê và lối sống tối giản
Mai Anh cho biết cứ cách một tuần, cô lại nhờ mua đồ ăn giá rẻ từ Vĩnh Phúc gửi lên. Nhờ thế, chi tiêu ăn uống trong nhà cũng được giảm đáng kể, so với việc mua thức ăn ở trung tâm Hà Nội.
Họ cũng tận dụng những thứ có sẵn trong nhà, sử dụng đồ gia dụng cũ từ gia đình, sửa chữa thay vì mua mới, và tận dụng các chương trình khuyến mãi. Cách sống này không chỉ giảm chi phí mà còn giúp họ tập trung vào những giá trị thực sự quan trọng như gia đình và tương lai.
- [Longform] Stanley F. Druckenmiller: “Môn đệ” vĩ đại của Geogre Soros
- Chuyên gia chia sẻ quy tắc quản lý tài chính đơn giản nhưng hiệu quả: 75/15/10
- Câu chuyện mua căn hộ 54 tỷ đồng: Người phụ nữ mất trắng 16 tỷ đồng sau 3 tháng
- Cô gái sốc khi chị chồng đòi trả nợ bằng vàng sau khi vay 50 triệu: Mẹ chồng can thiệp bất ngờ
- Giá vàng đạt đỉnh cao mới