Vào một buổi trưa tháng 4, tại một tiệm vàng nổi tiếng giữa lòng thành phố, một người phụ nữ trung niên bước vào với tâm trạng phấn khởi. Trong tay bà là một chiếc túi xách màu đen, bên trong chứa đựng những thỏi vàng nhỏ được bọc cẩn thận trong giấy báo cũ. Không ai có thể ngờ rằng chỉ sau 30 phút, không khí trong cửa hàng trở nên căng thẳng, khi người phụ nữ ngã quỵ, khóc nức nở trước mặt nhân viên thu ngân: “Không thể nào… Đây là vàng tôi dành dụm cả đời mà…!”

Người phụ nữ tên Lý Lan Anh, 53 tuổi, là một công nhân may đã nghỉ hưu sớm từ ngoại ô Tô Châu. Trong túi của bà hôm đó có tổng cộng 60 chỉ vàng. Bà dự định bán số vàng này để lấy tiền chữa bệnh cho chồng đang nằm viện. Theo giá vàng thời điểm đó, số vàng của bà có giá trị lên tới 342.000 NDT (khoảng 1,2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, chỉ sau vài thao tác kiểm tra đơn giản, nhân viên cửa hàng đã lặng lẽ trao đổi với quản lý. Chẳng bao lâu sau, ba nhân viên kỹ thuật xuất hiện với máy thử vàng hiện đại. Kết quả khiến mọi người đều bàng hoàng: Tất cả số vàng đều là giả. Không phải là vàng giả thông thường, mà là loại hợp kim cao cấp được chế tác tinh vi, có bề mặt đạt chỉ số dẫn điện và màu sắc gần giống thật.

Người phụ nữ đau khổ khi phát hiện vàng mình cất giữ là giả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngồi trên ghế, bà Lan Anh mặt mày tái nhợt. Bà lẩm bẩm: “Không thể nào, từng chỉ tôi đều mua từ tiệm quen, có cả hóa đơn mà”

Cửa hàng vàng lập tức tiến hành kiểm tra lại. Đúng là có hóa đơn thật. Nhưng điều khiến mọi người hoang mang là: tất cả các hóa đơn đều là bản in, không có mã xác minh, không có con dấu chống giả. Đặc biệt, tên cửa hàng trên hóa đơn lại là tên một thương hiệu vàng tư nhân nhỏ đã phá sản từ 7 năm trước.

Bà Lan Anh nghẹn ngào: “Chồng tôi là người cẩn thận, mỗi năm ông ấy đều đưa tôi một ít vàng, bảo tôi cất giữ, ‘để sau này phòng khi hoạn nạn’. Suốt hơn 20 năm, tôi không hề nghi ngờ. Ngay cả đám cưới con, ông ấy cũng không cho đụng vào… Giờ ông ấy nằm bệnh viện, tôi mới đem đi bán thì…”

Câu chuyện trở nên bi thảm hơn khi chính chồng bà – ông Trương Vĩ, 58 tuổi – cũng không hề biết số vàng mình mua là giả. Nằm trong phòng bệnh, khi nghe vợ kể lại, ông thẫn thờ suốt một tiếng không nói gì.

Hóa ra, suốt 20 năm qua, ông Trương đều mua vàng từ một tiệm quen trên đường Đông Kinh cũ – một tiệm vàng nhỏ không có thương hiệu, không hóa đơn điện tử, chỉ viết tay sơ sài và giao vàng bọc giấy báo. Mỗi lần mua, ông đều tin tưởng vì “có người quen giới thiệu”, “bà chủ tiệm rất tử tế”. Ai ngờ tiệm đó đóng cửa bất ngờ vào năm 2018. Đến giờ, số điện thoại liên lạc cũng không còn tồn tại.

Một chuyên gia vàng bạc tại Thượng Hải cho biết: “Loại hợp kim mà bà Lý sở hữu hiện nay là loại giả cao cấp, có thể qua mặt được nhiều loại máy thử vàng đời cũ. Chúng thường được pha chế từ đồng, kẽm, niken và một chút bột vàng thật để đánh lừa mắt thường.”

Người phụ nữ đau khổ khi phát hiện vàng mình cất giữ là giả - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng triệu người đã bày tỏ sự bức xúc:

– “Tôi cũng đang cất vàng trong tủ, không dám chắc nó thật hay giả nữa rồi…”

– “Thương bà ấy quá, giữ vàng như giữ của, ai ngờ giữ nhầm cả đời!”

– “Thời buổi này, phải test vàng ở ít nhất 2 chỗ mới chắc được…”

Hiện tại, vợ chồng bà Lý đã gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương, nhưng vì tiệm vàng đã phá sản từ nhiều năm trước, việc đòi lại công bằng gần như là điều không tưởng. Luật sư cho biết: “Nếu không tìm được người đứng tên pháp lý cửa hàng cũ, cơ hội kiện tụng là vô cùng mong manh.”

Trong khi đó, bà Lý vẫn phải lo lắng cho chi phí điều trị của chồng. Từ chỗ nghĩ mình có “của để dành” trị giá hơn 342.000 NDT trong tủ, giờ đây bà chỉ còn lại những thỏi kim loại không giá trị, cùng những giấc ngủ đầy nước mắt.

Theo Sohu

Bài viết cùng chủ đề:

TIN TỨC MỚI 

.
.
.
.