Biến mất một cách khó tin
Ngay sau Tết Nguyên đán năm 2019, ông Phương, một doanh nhân thành đạt tại Quảng Tây (Trung Quốc), đã liên lạc với quản lý Hoàng, người phụ trách khách hàng VIP tại ngân hàng. Giọng nói của ông đầy sự tự tin: “Quản lý Hoàng, khoản tiền gửi của tôi đã đến hạn. Ngày mai tôi sẽ đến rút tiền, anh sắp xếp giúp tôi nhé”.
Quản lý Hoàng nhanh chóng đáp lại với sự nhiệt tình: “Vâng, ông Phương, mọi thứ đã sẵn sàng. Ông chỉ cần đến quầy, chúng tôi sẽ hỗ trợ ngay”.
Trước đó một năm, ông Phương đã gửi vào ngân hàng số tiền khổng lồ 48,4 triệu NDT (hơn 170 tỷ đồng) – toàn bộ tài sản tích lũy của mình. Với số tiền này, ông trở thành khách hàng VIP và luôn được ngân hàng tiếp đón nồng nhiệt. Lời hứa chắc chắn của quản lý Hoàng khiến ông cảm thấy an tâm và phấn khởi.
Thế nhưng, điều ông nhận lại không phải là số tiền kèm lãi suất hấp dẫn, mà là một cú sốc không thể tưởng tượng nổi.
Sáng hôm sau, ông Phương đến ngân hàng với 7 phiếu gửi tiền trong tay, lòng đầy hy vọng. Nhìn nụ cười của nhân viên giao dịch, ông càng tin rằng hôm nay sẽ là một ngày may mắn. Trong đầu, ông bắt đầu tính toán lãi suất và lên kế hoạch cho những dự định sắp tới. Nhưng ngay khi đưa phiếu gửi tiền, ông nhận thấy sắc mặt của nhân viên bỗng trở nên căng thẳng. Cô ấy kiểm tra lại và nghiêm túc thông báo: “Thưa ông, phiếu gửi tiền này là giả. Chúng tôi không thể xử lý yêu cầu rút tiền của ông”.
Câu nói ấy như một cú sét đánh ngang tai. Ông Phương không thể tin vào những gì vừa nghe. Đây là phiếu gửi tiền của ngân hàng, có chữ ký của quản lý Hoàng. Tại sao lại có thể là giả?
Ông Phương không thể chấp nhận sự thật này. Nhân viên giao dịch vội vàng gọi quản lý đến. Ít phút sau, một người đàn ông trung niên với vẻ mặt nghiêm nghị xuất hiện. Nhưng thay vì giải thích, ông ta chỉ lạnh lùng nhắc lại: “Thưa ông, phiếu gửi tiền của ông có vấn đề. Hiện tại, tài khoản không có số dư, nên chúng tôi không thể xử lý yêu cầu rút tiền”.
Ông Phương sững sờ, cảm giác tức giận dâng trào. Ông đập mạnh tay xuống quầy giao dịch, giọng đầy phẫn nộ: “Không thể nào! Đây là số tiền tôi gửi vào chính ngân hàng này, có cả chữ ký của quản lý Hoàng. Sao chỉ sau một năm mà lại biến mất? Các người định lừa tiền của tôi sao”.
Nhân viên quản lý lúng túng, ánh mắt lảng tránh. Ông ta biết rằng chuyện này thật khó tin, nhưng phải giữ bình tĩnh trước sự chú ý của những khách hàng xung quanh. Không khí trong phòng giao dịch trở nên căng thẳng, mọi người bàn tán xôn xao.
Quản lý ngân hàng buộc phải lên tiếng: “Số tiền ông gửi đã bị rút từ lâu. Nếu muốn tìm lại, hãy đi gặp người đã lấy nó. Ngân hàng không chịu trách nhiệm về điều này”.
Những lời đó như một gáo nước lạnh dội vào ông Phương. Ông đã gửi số tiền cả đời mình vào ngân hàng, nhưng giờ đây họ lại phủi tay trách nhiệm. Ông quyết định báo cảnh sát.
Hé lộ sự thật đau lòng
Khi cảnh sát vào cuộc, một sự thật kỳ lạ đã được phơi bày: Sổ tiết kiệm của ông Phương thực chất không có giá trị. Số tiền ông gửi vào ngân hàng đã bị chuyển đi chỉ sau một giờ kể từ khi vào tài khoản. Cảnh sát phát hiện người thực hiện giao dịch không ai khác chính là Giám đốc Hoàng của ngân hàng.
Ông Phương bàng hoàng, chất vấn: “Quản lý Hoàng làm gì cũng phải được ngân hàng chấp thuận. Tại sao tiền của tôi lại có thể bị chuyển đi dễ dàng như vậy?” Hóa ra, Hoàng không chỉ là quản lý mà thực chất là Giám đốc ngân hàng.
Nhiều năm trước, ông ta đã để mắt đến số tiền tiết kiệm của ông Phương. Biết ông là doanh nhân, Hoàng đã đề xuất một “gói đầu tư đặc biệt” với lãi suất cao gấp 4 – 5 lần tiền gửi thông thường. Ban đầu, ông Phương còn lưỡng lự, nhưng tin vào uy tín của ngân hàng, ông quyết định đầu tư 10 triệu NDT (hơn 35,2 tỷ đồng).
Không chỉ vậy, ông còn thuyết phục người thân, bạn bè cùng tham gia. Tổng cộng, số tiền gửi lên tới 48,4 triệu NDT. Nhưng tất cả chỉ là một cái bẫy, Hoàng và một đồng phạm đã lợi dụng kẽ hở trong hệ thống để rút sạch số tiền này.
Sau quá trình điều tra, cả Hoàng và đồng phạm đều bị bắt. Tòa tuyên án tù chung thân với Hoàng và 15 năm tù cho kẻ đồng lõa. Nhưng bản án đó không giúp ông Phương lấy lại được số tiền đã mất. Gia sản tiêu tan, ông không chỉ mất tiền mà còn bị người thân oán trách, buộc phải bán tài sản để duy trì cuộc sống.
Câu chuyện của ông Phương là một bài học đắt giá: lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn. Trước bất kỳ giao dịch nào, bạn cần kiểm chứng kỹ lưỡng mọi thông tin, đặc biệt là những món hời đầu tư bất thường.
- Nhịp đập Thị trường 15/04: Nhóm bất động sản khu công nghiệp giảm mạnh
- Ứng dụng hoàn hảo cho những người mới bắt đầu trong lĩnh vực mua bán và đầu tư bất động sản
- Giá vàng hôm nay, 22-3: Từ giảm sâu đến phục hồi bất ngờ
- 25/04: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?
- Giá vàng hôm nay 16/3: Thế giới tăng trưởng, trong nước giữ nguyên